Ads Top

Công ty đứng sau ChatGPT đã khác xưa thế nào

OpenAI đang tiến tới việc ưu tiên lợi nhuận trong bối cảnh nhiều nhân viên chủ chốt rời đi, giúp CEO Sam Altman củng cố quyền lực của mình.

Khi được thành lập năm 2015, OpenAI bắt đầu với sứ mệnh cao cả: hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận, nhận tiền tài trợ từ các bên để phát triển AI theo hướng an toàn và có lợi nhân loại, thay vì mô hình đầu tư và chia lợi nhuận. Tuy nhiên, khi trở thành startup được săn đón nhất tại Thung lũng Silicon, mục tiêu ban đầu được cho là bị gạt sang một bên, dành chỗ cho những tính toán về lợi ích tài chính - điều mà một doanh nghiệp bình thường đang vận hành.

Theo ReutersBloomberg, OpenAI đang có những cuộc thảo luận để chuyển sang mô hình hoạt động vì lợi nhuận. Động thái này diễn ra vài tuần sau khi công ty ra mắt mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mà họ tuyên bố có khả năng "lý luận".

Sam Altman, CEO OpenAI, tại một sự kiện ở San Francisco, California năm ngoái. Ảnh: Reuters

Sam Altman, CEO OpenAI, tại một sự kiện ở San Francisco, California năm 2023. Ảnh: Reuters

Giữa lúc đó, một số nhân viên cấp cao rời đi, như giám đốc công nghệ Mira Murati vào 25/9. Cùng ngày, Giám đốc nghiên cứu Bob McGrew và Phó chủ tịch Barret Zoph cũng thông báo nghỉ việc. CEO Sam Altman gọi sự thay đổi lãnh đạo là "một phần tự nhiên của các công ty".

"Tôi sẽ không giả vờ khi nói đây là điều tự nhiên, dù sự rời đi này quá đột ngột. Chúng tôi không phải là một công ty bình thường", Altman viết trên X.

Sau nỗ lực sa thải Altman thất bại tháng 11 năm ngoái, nhiều lãnh đạo cộm cán rời bỏ công ty. Nhà đồng sáng lập và kiến trúc sư trưởng Ilya Sutskever chuyển sang thành lập công ty AI mới vào tháng 5. Jan Leike, nhà nghiên cứu có tiếng nói khác, nghỉ việc vài ngày sau đó. Trước khi đi, ông nói "văn hóa và quy trình an toàn đã bị đẩy lùi bởi các sản phẩm sáng bóng". Gần như tất cả thành viên hội đồng quản trị OpenAI đều đã từ chức, trừ CEO Quora Adam D’Angelo.

Sự xáo trộn sau vụ lật đổ CEO

OpenAI bắt đầu như một phòng nghiên cứu phi lợi nhuận, sau đó mở rộng thêm một nhánh vì lợi nhuận (for-profit) gọi là OpenAI LP. Nhánh này đóng vai trò huy động vốn để xây dựng siêu trí tuệ nhân tạo AGI, còn sứ mệnh của nhóm phi lợi nhuận là đảm bảo AGI mang lại lợi ích cho nhân loại.

Trên trang web về cơ cấu hội đồng quản trị của OpenAI, công ty nhấn mạnh "sẽ là khôn ngoan nếu xem bất kỳ khoản đầu tư nào vào OpenAI theo tinh thần đóng góp", tức nhà đầu tư có thể "không thấy bất kỳ khoản lợi nhuận nào". Nếu chấp nhận chi tiền, lợi nhuận của nhà đầu tư cũng bị giới hạn ở mức 100 lần. Phần vượt quá được chuyển sang hỗ trợ tổ chức phi lợi nhuận nhằm ưu tiên lợi ích xã hội hơn là tài chính. Nếu nhánh vì lợi nhuận đi chệch khỏi sứ mệnh đó, bên phi lợi nhuận có thể can thiệp.

Theo CNBC, OpenAI đang đặt mục tiêu được định giá 150 tỷ USD. Tuy nhiên, cấu trúc "vì lợi nhuận được quản lý bởi nhóm phi lợi nhuận" cũng đặt công ty ở thế bất lợi về tài chính. Do đó, không ngạc nhiên khi một số nguồn tin cho biết Altman đã nói với nhân viên OpenAI đầu tháng 9 rằng họ sẽ tái cấu trúc thành công ty vì lợi nhuận năm tới. Tuần trước, Bloomberg đưa tin OpenAI sẽ hoạt động giống đối thủ Anthropic, còn Altman sẽ nhận được 7% cổ phần, dù ông lập tức phủ nhận, gọi đó là "chuyện nực cười".

Cả Altman và Murati đều khẳng định quyết định nghỉ việc của cô là "tình cờ". Theo giới quan sát, dù lý do gì, việc những nhân vật chủ chốt của OpenAI rời công ty đánh dấu sự "thay máu" gần như hoàn toàn ban lãnh đạo.

Không còn là "phòng nghiên cứu"

Như Leike ám chỉ trong lời chia tay OpenAI về "sản phẩm sáng bóng", việc biến một startup hoạt động như một phòng nghiên cứu phi lợi nhuận thành công ty vì lợi nhuận đặt nhiều nhân viên lâu năm vào tình thế khó xử. Thực tế, nhiều chuyên gia đầu ngành gia nhập OpenAI chỉ vì sứ mệnh của nó là tập trung vào nghiên cứu AI chứ không phải để phát triển và thương mại hóa sản phẩm.

Một tổ chức nghiên cứu có thể trì hoãn phát hành sản phẩm nếu thấy cần thiết. Quan trọng hơn, họ có thể thận trọng hơn, xem xét kỹ hơn và đảm bảo an toàn hơn cho sản phẩm.

Tuy nhiên, đã có những bằng chứng cho thấy OpenAI đẩy nhanh việc công bố sản phẩm hơn là thận trọng. Hồi tháng 7, nguồn tin nói với Washington Post rằng công ty đã tổ chức tiệc ra mắt GPT-4o "trước khi xác định liệu nó có đảm bảo an toàn để giới thiệu với công chúng hay không". WSJ cuối tuần trước dẫn nguồn nói các bài kiểm tra nội bộ cho thấy GPT-4o chưa đủ an toàn để triển khai, nhưng vẫn đến tay người dùng.

"Tất cả dấu hiệu gần đây đều chỉ ra OpenAI sẽ trở thành một công ty công nghệ thông thường dưới sự kiểm soát của một giám đốc điều hành quyền lực - cấu trúc mà nó được xây dựng để tránh", The Verge bình luận.

"Tôi nghĩ mọi thứ đang là bước chuyển đổi tốt đẹp cho mọi người. Tôi hy vọng OpenAI sẽ mạnh mẽ hơn, vì điều đó cho thấy chúng ta luôn có sức mạnh lớn hơn qua mỗi biến cố", Altman nói trên sân khấu Tuần lễ Công nghệ Italy ngày 26/9, một ngày sau thông báo về sự ra đi của Murati.

Bảo Lâm

No comments:

Powered by Blogger.
Day Noi Mi Ha Noi / Cho Dien Tu Online / CPU May Tinh Ha Noi