Ads Top

'Ánh sáng cuối đường hầm' cho Intel

Intel được đánh giá có thể "nhờ cậy" chính phủ Mỹ để vực dậy hoạt động trong bối cảnh nước này đang muốn tăng cường sản xuất bán dẫn.

"Đàn ông đích thực phải có fab", nhà đồng sáng lập AMD Jerry Sanders từng nói vào những năm 1980. Fab là thuật ngữ chỉ nhà máy chế tạo vi mạch bán dẫn, trong đó các tấm silicon thô được tạo thành các mạch tích hợp.

Theo Business Insider, sau hơn 40 năm, câu nói của ông đang được nhắc lại, nhưng rộng hơn là "một quốc gia thật sự cần có fab". Các nhà máy bán dẫn vốn có quy mô khổng lồ, tiêu tốn hàng tỷ USD và nhiều năm xây dựng.

Bên ngoài trụ sở Intel ở California. Ảnh: Intel

Bên ngoài trụ sở Intel ở California. Ảnh: Intel

Intel từng là công ty dẫn đầu về sản xuất bán dẫn trong nhiều thập kỷ. Nhưng từ năm 2018, vị trí của họ bắt đầu bị lung lay sau một loạt quyết định sai lầm trong thời gian dài. Họ bỏ lỡ làn sóng chip di động khi iPhone ra mắt năm 2007 và từng lựa chọn trung thành với công nghệ quang khắc DUV thay vì EUV tiên tiến. Điều này tạo cơ hội cho TSMC vượt lên trở thành nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới. Mới nhất, hãng chậm chân trong cuộc đua AI tạo sinh khi các công ty công nghệ như Meta, Microsoft và Google đặt hàng số lượng lớn chip từ Nvidia.

Hiện Intel có giá trị vốn hóa dưới 100 tỷ USD, thậm chí không vào top 150 công ty lớn nhất. Trong khi đó, TSMC có giá trị gần 1.000 tỷ USD, và đứng trong top 10.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định Intel khó sụp đổ khi thời gian qua, chính phủ Mỹ dành nhiều ưu ái cho hãng, nhằm đưa hoạt động sản xuất bán dẫn về quê nhà.

Một thực tế là trừ Intel, nhiều hãng chip nổi tiếng ở Mỹ không có nhà máy, không trực tiếp sản xuất chip. Nvidia, Qualcomm, AMD và nhiều công ty khác chỉ thiết kế, sau đó đặt hàng gia công từ các bên như TSMC.

Hầu hết khâu sản xuất hiện diễn ra tại châu Á Theo các chuyên gia, nếu các hãng như TSMC hay Samsung "có vấn đề", như xung đột hoặc bị kiểm soát, thảm họa sẽ đến với Mỹ và châu Âu. Ví dụ, Apple khó có thể sản xuất iPhone với số lượng lớn, hay Nvidia sẽ phải tìm nơi khác để làm GPU, kéo theo sự đình trệ về AI.

"Đây là lý do tại sao ngày nay 'một quốc gia cần có fab'. Chip là sức mạnh của nền kinh tế hiện đại", Business Insider bình luận. Nếu làm tốt việc sản xuất chip, Intel có cơ hội quay lại vị thế dẫn đầu. Tuy nhiên, nhà máy Intel Foundry sẽ khó cạnh tranh với TSMC cho đến khi tìm được khách hàng lớn, với hợp đồng đúc chip lớn và đa dạng, từ đó giúp họ tinh chỉnh quy trình, chuyển kiến thức đó trở lại nhà máy và có thêm những khách hàng mới.

"Đó là tình huống con gà và quả trứng", một chuyên gia nói với Business Insider. "Nếu không đạt khối lượng lớn, khách hàng sẽ không dám đưa thiết kế cho Intel sản xuất. Nhưng không có khách hàng, Intel cũng không thể cải thiện".

Theo CNBC, có một cách để phá vỡ tình trạng bế tắc trên: để chính phủ Mỹ thuyết phục các công ty khác sử dụng nhà máy của Intel. Điều này đang bắt đầu xảy ra.

Ngày 11/9, trong buổi gặp gỡ các nhà đầu tư, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã thúc giục những công ty như Nvidia và Apple nhận ra lợi ích kinh tế của việc có một nhà máy Mỹ có thể sản xuất chip AI. Bốn ngày sau, Intel thông báo hợp tác với Amazon Web Services (AWS) để sản xuất một mẫu chip AI riêng. Cổ phiếu Intel tăng vọt, do AWS hiện là nhà cung cấp đám mây lớn nhất thế giới và họ cần rất nhiều chip để sử dụng trong các trung tâm dữ liệu khổng lồ của mình. Đây cũng chính là một trong những khách hàng lớn mà Intel cần.

Trước đó, theo Reuters, Intel mất hợp đồng thiết kế và sản xuất chip PlayStation 6 vào tay AMD năm 2022, bỏ lỡ nguồn doanh thu ước tính 30 tỷ USD cũng như cơ hội nâng cao vị thế của Foundry.

Intel hiện xây nhà máy tại bốn tiểu bang ở Mỹ. Đầu năm, công ty được chính quyền Tổng thống Joe Biden trao khoản tài trợ tới 8,5 tỷ USD thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học, và có thể vay thêm 11 tỷ USD. Một quan chức cấp cao trong chính phủ nói việc giải ngân dự kiến diễn ra cuối năm.

Trong khi đó, tuần trước, một số nguồn tin cho biết Qualcomm đang tiếp cận Intel để mua lại toàn bộ hoặc một phần công ty. Tuy nhiên, nếu thành hiện thực, thương vụ sẽ không giải quyết được bài toán sản xuất tại quê nhà của Mỹ. "Qualcomm có thể không mặn mà với hoạt động sản xuất của Intel mà quan tâm hơn đến thiết kế chip", Reuters nhận định.

Intel hiện trông cậy vào nút 18A (tương đương 1,8 nm), dự kiến đưa vào sản xuất năm sau. Nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp, nó có thể giúp Intel cạnh tranh hơn với các tiến trình sản xuất chip hàng đầu của TSMC, nhất là khi đã có khách hàng lớn là AWS và có thể sắp tới là Microsoft.

"18A đang là quân bài Intel đặt cược vào thành công của công ty", nhà phân tích chip Stacy Rasgon của Bernstein viết trên blog. Do đó thời gian này, Qualcomm được dự đoán khó thâu tóm Intel, dù là một phần công ty.

Bảo Lâm

No comments:

Powered by Blogger.
Day Noi Mi Ha Noi / Cho Dien Tu Online / CPU May Tinh Ha Noi